I. Các Ngân hàng đã triển khai dịch vụ eKYC cho khách hàng cá nhân mở tài khoản
Tính đến cuối quý 1/2021, đã có 11 Ngân hàng triển khai dịch vụ eKYC cho khách hàng cá nhân mở tài khoản thanh toán. Một tốc độ ứng dụng công nghệ ở mức trung bình, chưa thực sự đạt đỉnh cao trào. Dự kiến quý 4/2021 sẽ là thời điểm mà các Ngân hàng còn lại sẽ tiến hành triển khai dịch vụ này, đường đua sẽ trở nên cực kỳ gay gắt và chật ních.
- HDBank - HDBank Mobile Banking;
- OCB - OCB Omni;
- Viet Capital Bank - Viet Capital Mobile Banking;
- MB Bank - MB Bank;
- Vietbank - Vietbank eKYC;
- CIMB Bank - OCTO;
- Sacombank - Sacombank Pay;
- NCB - NCB iziMobile;
- VIB: My VIB;
- SeABank - SeAMobile;
- ABBank - AB Ditizen.
II. Các chiến dịch nổi bật
MB Bank và chiến dịch mở tài khoản thanh toán số đẹp áp dụng eKYC
"Khách hàng không phải ra quầy chờ lấy số mà chỉ cần mở tài khoản ngay trên ứng dụng di động MB Bank. Việc mở tài khoản trên app MB Bank cũng được đảm bảo an toàn bảo mật ở mức tối đa nhờ sử dụng công nghệ định danh điện tử eKYC hiện đại."
Đối với các khách hàng có nhu cầu mở tài khoản thanh toán thông qua ứng dụng điện thoại MB Bank, mỗi khách hàng sẽ có thể tự chọn đuôi số cho chính mình (4 chữ số, 6 số, 8 số,...). Chiến dịch này đã kích thích một lượng đông đảo các khách hàng tiềm năng đăng ký và sử dụng tài khoản thanh toán tại Ngân hàng này.
Ngoài ra, chiến lược phân phối trực tuyến của MB Bank đã được triển khai trải dài và đồng bộ trên tất cả các đối tác: Agency, Affiliate Marketing,....
Ngân hàng Bản Việt áp dụng TrueID (eKYC)
Tương tự, TrueID - phương thức định danh điện tử do VNG phát hành, hỗ trợ xác thực định danh người dùng tự động qua ứng dụng di động, được xây dựng trên nền tảng công nghệ trí tuệ nhân tạo, nhận diện gương mặt và nhận diện kí tự quang học. Các tính năng chính của TrueID là nhận dạng dấu hiệu giả mạo giấy tờ tuỳ thân (ID), rút trích thông tin - OCR, nhận diện khuôn mặt, và nhận biết người thực trong hình selfie.
Đối với việc áp dụng công nghệ eKYC - định danh điện tử này, Ngân hàng Bản Việt đã chính thức cạnh tranh trực tiếp với các ngân hàng khác, điển hình như TP Bank, MB Bank để thu hút người dùng mới.
III. Những rủi ro khi các Ngân hàng triển khai eKYC
Tuy nhiên, chúng ta không thể bàn đến các lợi ích eKYC mang lại cho các Ngân hàng mà bỏ qua những bất cập và rủi ro mà các Ngân hàng có thể gặp phải. Tưởng chừng rủi ro là nhỏ, nhưng nó luôn tiềm ẩn những khả năng phát triển và to dần như những khối ung thư ác tính, gây nguy hiểm cho vật chủ.
Đầu tiên, eKYC vẫn chưa đạt được độ chính xác hoàn hảo
Bản chất eKYC là một công nghệ được phát triển dựa trên thuật toán, AI, Big Data và vẫn còn là công nghệ non trẻ tại Việt Nam thì sai sót là không thể thiếu. Người dùng vẫn có thể gian lận bằng cách thay đổi hình ảnh CMND, giả thông tin cá nhân, dẫn đến một số lượng tài khoản thanh toán "ảo" khó kiểm soát. Và đương nhiên sẽ ảnh hưởng đến việc đảm bảo luật AML (Anti - Money laundering) của các Ngân hàng.
Thứ hai, cuộc chiến đốt tiền cho khối bán lẻ có thể diễn ra
Về bản chất, đốt tiền để tạo ra các giá trị tăng thêm và thực sự thì không có gì phải bàn cãi, thậm chí còn tốt cho sự phát triển. Nhưng viễn cảnh mà các ngân hàng đều triển khai eKYC và các chiến dịch khuyến mãi kèm theo thì người dùng sẽ chỉ dùng khi có khuyến mãi mà chẳng quan tâm đến độ hữu dụng sâu thẩm của ứng dụng. Như vậy cuộc chiến đốt tiền dành thị phần bắt đầu, mà thậm chí thị phần đó có thể thay đổi bất cứ khi nào các bên khác sẵn sàng đốt nhiều hơn.
Thứ ba, người dùng cảm thấy bội thực
Xét thấy, mỗi người dùng hiện nay có không dưới 2 tài khoản thanh toán tại các ngân hàng. Nhưng nếu không phải số 2 mà là 10 thì sao? Lúc này người dùng sẽ cảm thấy việc có quá nhiều lựa chọn cũng vô tình khiến bản thân bị bội thực. Giống với ý kiến thứ hai, câu hỏi được đặt ra là "Vậy Ngân hàng không thể sở hữu được khách hàng trung thành sao?", câu trả lời rất đơn giản: "Trải nghiệm khách hàng tốt, dịch vụ tốt thì bạn đã đủ sức sở hữu người dùng trung thành mà không cần phải đốt tiền vô tội vạ".